• Cơ sở 1: 113 Vĩnh Phúc, Ba Đình, HN
  • Cơ sở 2: 319 Thụy Khuê, Tây Hồ, HN
Menu 091 300 89 15

Ai Bảo Học Ngữ Pháp Tiếng Anh Là Khô Cứng?

Đăng ngày: 06/06/2018 - Lượt xem: 595

Nhiều người mặc định học ngữ pháp tiếng Anh là phải cố gắng nhồi nhét các kiến thức vào đầu nhưng quan điểm này lại không đúng tại Sun School. 

 

Cứ nói đến học ngữ pháp thì rất nhiều người nghĩ rằng nó rất buồn tẻ vì luôn luôn phải nhớ quy tắc này, công thức nọ. Bố, mẹ trước đây đi học ngữ pháp Tiếng Anh những năm 90 hoặc những năm 2000 đều có chung quan điểm này. Song qua thời gian, với những đổi mới sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, việc học ngữ pháp Tiếng Anh của các con ở trường nói chung và đặc biệt tại Sun School nói riêng đã có rất nhiều thay đổi tích cực.

Thứ nhất, thầy cô luôn luôn tạo cơ hội cho học sinh tiếp xúc với ngữ pháp một cách tự nhiên nhất. Trước khi học các khóa chuyên về ngữ pháp thì các con đã được sử dụng ngữ pháp Tiếng Anh qua việc lồng ghép ngữ pháp vào kỹ năng nói hoặc giao tiếp trong các khóa học tổng quát. Từ đó, các con sẽ hiểu và tự mình phát triển ngữ pháp tiếng Anh của bản thân theo cách này. Đặc biệt, những bạn nhỏ tại Sun School được học các câu chuyện trong bộ sách SuperKids của khóa học tổng quát giúp các con có cơ hội tiếp xúc với nhiều cấu trúc câu và ngữ pháp tiếng Anh, góp phần trau dồi thêm vốn ngữ pháp. Phụ huynh cũng nên tạo điều kiện cho các con đọc nhiều sách Tiếng Anh để các cấu trúc ngữ pháp thẩm thấu một cách tự nhiên.

Thứ hai, đối với việc dạy ngữ pháp Tiếng Anh thì ngưởi giáo viên không nên dạy công thức một cách áp đặt. Thay vào đó, giáo viên cần lấy các ví dụ thực tế để học sinh dễ nhớ. Sau đó, yêu cầu các con rút ra cách sử dụng và rồi cô trò đi đến cách sử dụng chuẩn mực của Tiếng Anh. Để giúp các con nhớ lâu thì thầy, cô cũng cần yêu cầu học sinh lấy thêm ví dụ để biết được học sinh đã thực sự hiểu rõ vấn đề ngữ pháp đó hay chưa. Một cách dạy nữa đó là giáo viên tạo các tình huống để học sinh có thể tái tạo lại ngôn ngữ. Thực hiện theo cách này, học sinh đã có thể chủ động tham gia tích cực vào bài học. Khác với cách dạy truyền thống trước đây, thầy cô luôn là người độc thoại khi dạy ngữ pháp và người học thì cắm cúi ghi chép. Với cách dạy ngữ pháp này, người học luôn tiếp nhận các hiện tượng ngữ pháp một cách thụ động. Hơn nữa, người học rất mất nhiều thời gian để ôn tập, để nhớ và áp dụng bởi vì các ví dụ áp đặt, xa rời thực tế như trong câu: She is standing. Về mặt ngữ pháp thì câu này hoàn toàn đúng nhưng về ý nghĩa giao tiếp thì câu này không đạt. Lý do rất đơn giản: “She” (cô ấy) là ai thì không ai biết.

Học sinh lớp Ngữ Pháp Starters tại Sun School

Thứ ba, dạy ngữ pháp cho học viên trẻ tuổi cần sử dụng các trò chơi để các bạn không bị mất tập trung hoặc có đủ kiên nhẫn để lĩnh hội kiến thức. Đối với cấp độ Starters (bắt đầu), thì trò chơi vận động luôn là lựa chọn số 1 của giáo viên. Ví dụ: Để giúp học sinh nhận biết được danh từ số ít và số nhiều thì trò chơi có tên gọi “Jumping” (Nhảy) đã giúp cho các bạn học sinh thực sự hứng thú. Khi giáo viên đọc một danh từ  bất kỳ thì học sinh của các đội phải nhảy đúng vào ô: singular nouns (danh từ số ít) hoặc plural nouns (danh từ số nhiều). Một ví dụ khác khi học về thì hiện tại tiếp diễn là giáo viên yêu cầu một học sinh làm hành động và các bạn học sinh khác trả lời câu hỏi: What is he/ she doing? Giáo viên cũng có thể sử dụng trò chơi xúc sắc để học sinh thực hành thì này. Cách thực hiện: Học sinh lần lượt reo xúc sắc, nếu tung vào ô chứa hình ảnh, các con sẽ phải miêu tả hành động đó ở thì hiện tại tiếp diễn, nếu không nói được sẽ phải đứng yên, nói đúng thì được đi tiếp. Sự ganh đua ai về nhất trong trò chơi này là yếu tố kích thích sự ham học hỏi ở các con. Ở cấp độ cao hơn, có thể cho học sinh nghe bài hát có sử dụng thì hiện tại tiếp diễn và yêu cầu học sinh ghi lại các động từ có sử dụng thì này.

Thứ tư, dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em cần có hệ thống. Chỉ giới thiệu thôi thì không đủ để dạy cho trẻ tất cả những ngữ pháp tiếng Anh cần thiết. Bên cạnh đó, dạy ngữ pháp không được theo ngẫu hứng mà cần có trình tự và tốt nhất là theo một giáo trình của các nhà xuất bản có uy tín. Chọn giáo trình theo trình độ để học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dang nhất. Ở cấp độ tiểu học, các con có 3 trình độ: Starters, Movers và Flyers. Do độ tuổi còn nhỏ, giáo viên không nên dạy quá nhiều kiến thức ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em cùng một lúc. Trẻ sẽ không thể tiếp thu hết, cũng như sẽ khiến cho trẻ cảm thấy nhàm chán. Thay vào đó hãy tập trung dạy những phần quan trọng trong một đơn vị bài học lồng ghép những hoạt động thú vị. Những cấu trúc ngữ pháp luôn luôn có những ví dụ minh hoạ kèm thêm hình ảnh hoặc ngôn ngữ hình thể để trẻ ghi nhớ và vận dụng chúng dễ dàng hơn.

Sun School hy vọng với những quan điểm trên có thể giúp các phụ huynh hiểu hơn về cách dạy - học ngữ pháp tiếng Anh trẻ em hiện nay, để bố mẹ hoàn toàn yên tâm khi gửi gắm con em mình. Hãy tạo điều kiện cho con học ngữ pháp một cách chủ động, linh hoạt và không hề khô cứng!

Tin tức khác